Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

30 NĂM XA DALAT*


30 NĂM XA DALAT*
        
“Một chuyến xe, lòng mãi ngẩn ngơ
Ngoái trông phố núi lặng sương mờ...”**
Đường xa cất bước thương Đà Lạt 
Đêm lạnh lay lòng nhớ Đạ Sa 
Suối Tía chùa xưa chùng tiếng mõ
Tuyền Lâm suối cũ sáng gương hồ
Ngàn thông chừng réo: ai còn, mất...?
Bên chóe rượu cần xót bạn xưa.

Phan Tự Trí – 7-2017

* * 2 câu trong bài thơ cũ của tôi khi mới rời xa Dalat - 1987

* Tôi xa Dalat năm 1987, sau hơn 12 năm gắn bó với mảnh đất này. Đến nay vừa ba mươi năm.

Còn nhớ một đêm cuối năm 1977, trời lạnh, không trăng; đội khảo sát địa chất công trình trong Đoàn Khảo sát Thiết kế thủy lợi Lâm Đồng của chúng tôi bị Fulro tập kích... Hú hồn, không ai chết nhưng bị thương nhiều; Trong đó có Đội trưởng Trần Văn Trọng bị bắn, đạn AR 15 (sau mới biết) ghim vào phổi, máu tràn bọt khí, nhân viên Lâm Duy Pháp bị mảnh lựu đạn văng cả kính cận... nhưng người không việc gì, loay hoay tìm kính, không biết đường nào mà chạy; nhân viên Đào Duy Ba bị thương ở chân phải rất nặng, nát cả đùi. Nhưng nhờ chú Ba ráng chịu đau, bò lết qua rừng rậm, suối gào về tận khu nhà tôi ở gọi cấp cứu nên anh em sớm được giải thoát trong đêm.
Vị trí chúng tôi đóng quân ở bờ phải suối Tuyền Lâm, quân của chúng tôi ban ngày đi khảo sát: khoan địa chất nền công trình hồ Tuyền Lâm bây giờ; ban đêm về ngủ nhờ nơi lán tạm của chùa Tuyền Lâm (không biết Thiền viện Trúc Lâm hiện tại có liên quan gì không). Sư trụ trì rất tốt với anh em. Còn tai họa giáng xuống  nói trên là do tàn quân Fulro hồi đó còn mạnh lắm.
Bây giờ người cũ không còn lại mấy người, đứa thì chuyển nghề, công việc, đứa thì về quê, đứa thì mất vì bệnh tật, tuổi già.
Tôi còn may mắn sót lại với một số người khi đó nhưng cũng mỗi người một nơi.
(Nơi chúng tôi khảo sát ngày ấy là vị trí tuyến đập, ngăn suối Tía thành hồ nước Tuyền Lâm bây giờ)
Nhắc lại chuyện xưa không khỏi bùi ngùi, rớm lệ; nhất là mỗi khi có dịp trở lại những nơi bàn chân chúng tôi thường ghi dấu! Bùi ngùi vì không còn mấy ai biết và nhớ đến những ngày xưa như thế, nhất là thế hệ con cháu bây giờ.
Tôi vẫn thường xem trên các trang mạng..., trang CLB ảnh Đà Lạt với nhiều tay máy cho thưởng thức những bức ảnh đẹp tuyệt vời: Công Thành, Hoàng Việt, Thanh Do ... và rất nhiều người khác. Tôi càng trân quý Dalat vô cùng.
Tôi cũng nói thêm (đã viết khi đang bài LẶNG LẼ với bức ảnh “Nghiêng bóng cô liêu” của Hoàng Việt Dalat), rằng tác giả kiến trúc tháp cống hồ Tuyền Lâm là anh CAO KHOAN, một kỹ sư công trình thủy giỏi và tài hoa. Người xem bề ngoài tháp cống này không dễ hình dung bên trong lòng nó lại chứa các thiết bị cơ khí, thủy lực để nâng hạ cửa van của cống tháo nước về phía hạ lưu đập, đưa nước từ hồ về lại suối Datanla; hồ điều tiết: cho mùa khô thác Datanla vẫn nhiều nước để du khách chiêm ngưỡng. Cùng với việc dâng nước tạo thành hồ, cảnh quan thiên nhiên Tuyền Lâm thì mọi người đã biết... tôi không phải nói gì thêm.
Có điều tôi cũng muốn nói rõ thêm, hồ Tuyền Lâm còn có nhiệm vụ chính là cung cấp nước cho khu vực trồng lúa, màu, dứa (thơm) ...cho cả một vùng rộng lớn của các xã Hiệp Thạnh, Liên Khương...(không biết địa danh ngày nay có thay đổi gì?) với diện tích hơn 1.300 hecta lận. Các bạn có thể ngạc nhiên! Không đâu! Sau khi nước hồ tháo về hạ lưu qua thác Datanla thì nhập vào dòng suối DaTam, chảy về Đập dâng Quảng Hiệp, cũng do chúng tôi khảo sát thiết kế xây dựng năm 1976, cách đây 40 năm. Hồi đó bên cạnh Nhà máy sứ VĨnh Tường...Nếu theo kênh chính Quảng Hiệp vào sườn dãy núi Voi (núi Voi kéo dài), các bạn sẽ gặp Đập dâng trên suối DaMe. Được biết ở đây đã hình thành khu du lịch sinh thái DaMe, nhờ vào cảnh quan mà đập dâng này tạo ra khi ngăn suối. Tôi rất mừng khi nghe bạn bè tôi, kể tội tôi sao chọn được vị trí và thiết kế công trình đập dâng đẹp như thế; nói  “cái tội” là không tạo ra cơ hội cho các thế hệ sau được sửa chữa, nâng cấp gì để có công ăn việc làm. Tôi vui và càng khâm phục chất lượng xây dựng thời đó ở đập dâng này. Chỉ có bằng đá xây thôi (đá chẻ) mà 40 năm rồi từ nền móng, thân đập, trước sau đều không bị xói lở nứt nẻ, hề hấn gì... Tôi ước có dịp ghé lại nơi này!
.... Ký ức Dalat còn nhiều và như với mỗi người, không bao giờ vơi cạn. Chính nhờ nó nâng bước,động viên tôi cho cuối nẻo đường đời và có dịp tỏ bày cùng các bạn!
 Xin cảm ơn và chúc các bạn vui và cùng yêu quý Dalat hơn tôi!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN NGƯỜI YÊN NGHỈ

Đây là bài thơ của cháu Phan Tự Trí  kính viếng ông chú Trịnh Đức Trình. XIN NGƯỜI YÊN NGHỈ Trời đông sướt mướt thả dòng...